Chào các bạn và đặc biệt là các mẹ bầu. Chắc hẳn có nhiều mẹ bầu bụng to vượt mặt, đi lại khó khăn, chân thì sưng phù và mũi thì nở to như quả cà chua… đang ngồi đọc bài viết này của mình, phải không?
Lúc chuẩn bị viết bài này mình nhớ lại quãng thời gian bầu bí của chính bản thân mình trước kia, tăng gần 18kg, bụng to đến nỗi cúi xuống mà không thấy chân mình đâu, tóc tai thì rối bời vì kiêng không dám cắt… Rồi còn rối tung lên lo đẻ ở đâu, lo xin nghỉ đẻ và các loại chế độ cho bà đẻ…
Hôm nay, con trai cũng được hơn 2 tuổi rồi, mình ngồi viết lại kinh nghiệm cá nhân về việc viết đơn xin nghỉ thai sản và các loại chế độ, bảo hiểm thai sản, đồng thời cập nhật những thông tin mới nhất về nghỉ đẻ để các mẹ bầu tiện nắm được, đỡ phải tìm nhiều trong khi con thì đang đạp rầm rầm trong bụng đòi ra.
Thời gian được nghỉ chế độ thai sản là bao lâu?
Thời gian trước năm 2013, cụ thể là trước 1/5/2013 thì các mẹ bầu sẽ được nghỉ thai sản trong thời gian 4 tháng. Sau đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi), đã tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên thành 6 tháng và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Tóm lại là các mẹ sẽ được nghỉ 6 tháng thai sản. Mẹ nào sinh đôi trở lên (tức là tính cả sinh 3, sinh 4…) thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Quy ra là sinh đôi sẽ được nghỉ 7 tháng, sinh 3 được nghỉ 8 tháng… Trong 6 tháng nghỉ đẻ đó các mẹ sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (mình sẽ nói ở phần dưới).
Ngoài ra, trong thời gian mang thai, các mẹ được phép nghỉ 05 ngày để đi khám thai, mỗi lần được nghỉ 01 ngày.
Nghỉ trước sinh bao lâu? Thời gian nghỉ trước sinh theo quy định của pháp luật là không quá 2 tháng (tính dựa vào ngày dự sinh mà các mẹ ghi trong đơn xin nghỉ thai sản). Có mẹ thai kỳ bình thường thì có thể xin nghỉ trước sinh 1 tuần, 2 tuần để về nhà an dưỡng chờ ngày con chào đời. Nhưng có rất nhiều mẹ thai kỳ hơi khó khăn một chút, đến những tháng cuối sẽ nặng nề hơn, có nhiều biến động hoặc bác sĩ khuyên là nên nghỉ sớm để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và con thì nên nghỉ trước sinh sớm hơn. Nhưng nhớ là không quá 2 tháng các mẹ nhé.
Bao lâu thì quay trở lại làm việc? Nghỉ hết 6 tháng (tính từ ngày các mẹ bắt đầu nghỉ đẻ) là đến lúc trở lại làm việc. Mẹ nào muốn quay lại làm việc trước thời hạn 6 tháng cũng được nhưng với điều kiện là phải nghỉ được ít nhất 4 tháng rồi nhé. Tất nhiên là cũng cần phải có sự đồng ý của cấp trên (người sử dụng lao động), và có thể một số cơ quan họ sẽ yêu cầu phải có giấy chứng nhận sức khoẻ từ cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo rằng bạn đủ điều kiện để quay trở lại làm việc. Nếu đi làm sớm thì các mẹ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản như bình thường và lại còn được nhận lương theo quy định của công ty nữa.
Thời nay, ở một số công ty có tính cạnh tranh cao trong công việc, khá nhiều mẹ bầu muốn quay lại làm việc sớm để tránh bị ngắt quãng quá lâu gây ảnh hưởng tới sự nghiệp. Ngược lại, có một số mẹ (như mình chẳng hạn) chỉ muốn nghỉ ở nhà mãi để ôm con thôi :d
Chồng cũng được hưởng chế độ thai sản
Ngoài ra, bên cạnh các mẹ thì các bố (đang đóng BHXH) cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản “ăn theo” vợ nữa ạ. Cụ thể: người chồng sẽ được nghỉ 05 ngày làm việc khi vợ sinh con (sinh thường); nghỉ 07 ngày khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; nếu vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày; vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc được tính trong khoảng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con (xem thêm tại Khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 34 Luật BHXH 2014).
Trong thời gian mà người chồng nghỉ hưởng chế độ thai sản thì tất nhiên sẽ không hưởng lương tại đơn vị mà sẽ hưởng chế độ thai sản do quỹ BHXH chi trả.
Mẫu đơn xin nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
Thông thường, khi sắp tới ngày dự sinh, các mẹ sẽ gửi một lá đơn xin nghỉ hưởng chế độ thai sản tới ban giám đốc và phòng hành chính nhân sự để thông báo về việc nghỉ thai sản của mình, thời gian bắt đầu nghỉ. Dưới đây là mẫu đơn xin nghỉ hưởng chế độ thai sản mới nhất dưới dạng file word.
Bạn có thể nghỉ trước khi sinh tối đa là 2 tháng nếu muốn nghỉ ngơi để chuẩn bị thật chu đáo. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bắt đầu đi làm lại khi con của bạn mới được 4 tháng tuổi. Hoặc nếu muốn nghỉ thêm bạn sẽ không được hưởng lương hoặc có nguy cơ mất việc. Vậy nên hãy cân nhắc thật kỹ về điều kiện gia đình để đưa ra quyết định hợp lý nhất.
Điều kiện để được hưởng bảo hiểm thai sản
Cái này các mẹ bầu cần lưu ý vì nó liên quan đến quyền lợi của các mẹ này.
Để được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản, các mẹ cần phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Nếu bạn đã đóng bảo hiểm từ 12 tháng trở lên, khi mang thai cần phải nghỉ ở nhà để dưỡng thai (theo chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyền) thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Nếu các mẹ đủ cả 2 điều kiện (1) và (2) ở trên mà lại thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Cách tính 12 tháng trước khi sinh con: 12 tháng đó được đếm ngược từ ngày em bé của các mẹ ra đời. Nếu bé ra đời trước ngày 15 của tháng thì tháng đó sẽ không được tính. Còn nếu em bé ra đời từ ngày 15 trở đi (và tháng mà em bé ra đời đó các mẹ có đóng bảo hiểm xã hội) thì tháng đó sẽ được tính.
Mình sẽ lấy một ví dụ cụ thể để các mẹ dễ hình dung hơn: chị Dung sinh con trai vào ngày 20/01/2017 và tháng 01/2017 đó chị Dung có đóng bảo hiểm xã hội. Vậy thời gian 12 tháng trước sinh của chị Dung được tính từ tháng 01/2017 đếm ngược lại đến tháng 02/2016. Nếu trong khoảng từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017 đó mà chị Dung đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 6 tháng trở lên (hoặc 03 tháng nếu là nghỉ dưỡng thai) thì chị sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Còn nếu em bé nhà chị Dung mà ra đời vào ngày 13/01/2017 thì thời gian 12 tháng trước sinh sẽ được tính từ tháng 12/2016 đếm ngược lại đến tháng 01/2016 các mẹ nhé.
Số tiền bạn sẽ nhận được từ chế độ bảo hiểm thai sản là bao nhiêu?
Khi sinh con xong các mẹ sẽ được hưởng 02 loại trợ cấp như sau:
(1) Trợ cấp 1 lần: các mẹ sẽ nhận được 2x 1.210.000đ = 2.420.000đ (cho mỗi con). 1.210.000đ này là mức lương cơ sở theo quy định.(2) Mức hưởng 6 tháng: được tính dựa theo mức lương trung bình của 6 tháng gần nhất mà bạn đóng bảo hiểm.
Ví dụ như sau:
1. Lương tháng 1: 3.000.000đ 2. Lương tháng 2: 3.000.000đ 3. Lương tháng 3: 3.500.000đ 4. Lương tháng 4: 3.500.000đ 5. Lương tháng 5: 4.000.000đ 6. Lương tháng 6: 5.000.000đ
-> Mức lương trung bình = (3+3+3,5+3,5+4+5):6 = 3.670.000đ/tháng -> Mức hưởng 6 tháng = 3.670.000đ x 6 = 22.020.000đ
TỔNG SỐ TIỀN TRỢ CẤP THAI SẢN SẼ NHẬN = (1) + (2) = 2.420.000 + 22.020.000đ = 24.440.000đ
Một số tiền không nhỏ để mua bỉm sữa cho các con phải không các mẹ :d
Các mẹ nhớ là trong khoảng thời gian 45 ngày kể từ ngày đi làm trở lại, các mẹ phải hoàn thiện hồ sơ (phải có bản saoo giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con) để nộp cho công ty (phòng Hành chính – Kế toán) để người ta giải nộp lên bảo hiểm và chi trả trợ cấp theo đúng quyền lợi của các mẹ nhé.
Vậy là hoàn thành bài viết về chế độ thai sản dành cho các mẹ bầu. Hy vọng bài viết này có ích cho các bạn và chúc các bạn “mẹ tròn con vuông” nhé!
Đọc thêm:
Đơn xin nghỉ việc tiếng Anh